Những cách phòng tránh chấn thương trên sân bóng

Những cách phòng tránh chấn thương trên sân bóng

16/12/2019    1759 lượt xem    17 bình luậnKinh nghiệm hay

Các nguyên nhân và cách phòng tránh chấn thương trên sân bóng

Chấn thương là mối lo ngại nhất của nhiều cầu thủ khi bước vào chơi bóng ở mọi cấp độ từ nghiệp dư đến chuyên nghiệp. Nó có thể đến bất kỳ thời điểm nào bạn có mặt trên sân.

Vì vậy hôm nay Thể Thao Phủi sẽ hướng dẫn cho các bạn cách phòng ngừa và né đòn khi tham gia một trận đấu.

Các nguyên nhân gây chấn thương chủ yếu

  • Nhận thức chưa đầy đủ về chấn thương thể thao: Nhiều người cho rằng chấn thương là không thể tránh khỏi khi luyện tập, thi đấu, hoặc một vài chấn thương nhỏ không gây ảnh hưởng gì đáng kể. Vì vậy, họ đã không chú ý tới việc phòng tránh; khi xảy ra chấn thương không phân tích tìm nguyên nhân, đúc rút kinh nghiệm, khiến chấn thương liên tục xảy ra, các chấn thương nhỏ trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Công tác chuẩn bị, khởi động không thích hợp: Khởi động giúp hưng phấn toàn bộ hệ thần kinh, nâng cao khả năng thích nghi của các cơ quan (từ hệ vận động tới nội tạng), là cơ sở để bước vào các hoạt động chính thức. Không khởi động, khởi động không kỹ, lượng vận động khi khởi động quá lớn, nội dung các bài tập khởi động không thích hợp, khởi động quá sớm... đều có thể dẫn tới chấn thương cho cầu thủ khi luyện tập hay thi đấu.
  • Trạng thái tâm, sinh lý không tốt: Có thể do mệt mỏi, buồn ngủ, nghỉ ngơi không đủ, chưa hoàn toàn hồi phục sau chấn thương. Những yếu tố này khiến vận động viên không tập trung, phản xạ chậm chạp, thiếu chuẩn xác rất dễ xảy ra chấn thương.
  • Lượng vận động không thích hợp, luyện tập quá sức, động tác, kỹ thuật chưa hoàn chỉnh (nhất là những động tác phải xoay vặn khớp gối, khớp cổ chân, đá hụt bóng).
  • Điều kiện thiết bị sân bãi không đảm bảo như mặt sân không bằng phẳng, trơn ướt dễ ngã; trang phục tập luyện thi đấu không phù hợp (quần áo và giày quá rộng hay quá chật đều ảnh hưởng không tốt và gây khó vận động).
  • Điều kiện thời tiết không tốt: Nhiệt độ, độ ẩm quá cao dễ dẫn đến mệt mỏi, mất nước, co thắt cơ (chuột rút). Việc luyện tập hay thi đấu khi thời tiết quá lạnh có thể gây ra co cứng cơ.

Những bí quyết phòng ngừa chấn thương

1. Giày đúng size hợp với chân + bảo vệ ống quyển (Rote)

Các chuyên gia nhấn mạnh rằng có hai hạng mục quan trọng mà bất kỳ cầu thủ nào cũng cần lưu tâm: giày thi đấu và miếng bịt ống quyển. Khác với trước kia khi phần lớn sân bóng đá còn là sân đất, anh em có khá ít loại giày để lựa chọn, chủ yếu là bata chiến binh thần thánh. Ngày nay, giày thi đấu đã có rất nhiều mẫu mã, nhiều chủng loại phù hợp với từng đôi bàn chân, từng loại mặt sân.

Rote bảo vệ ống quyển khỏi những chấn thương

Khi nói đến giày đá bóng, đừng lựa chọn chúng chỉ vì tính thời trang. Hãy chọn cho mình một loại giày thật thoải mái và thiết thực. Hãy chắc chắn rằng khi mang vào chân, đôi giày không quá chật, cũng không quá lỏng. Đừng khiên cưỡng sử dụng đôi giày không phù hợp bởi về lâu dài, nó sẽ gây những tác động tiêu cực cho đôi chân của bạn, từ lòng bàn chân, mắt cá chân, đầu gối… đều có thể bị ảnh hưởng xấu đi. Thêm nữa, bạn cần phải xỏ dây qua đủ lỗ trên đôi giày bởi nó sẽ giúp cho tiếp xúc giữa chân với đôi giày không bị xô lệch dẫn tới chấn thương.

Một miếng bịt ống quyển cũng có tác dụng không chỉ che chắn ống đồng trong những pha va chạm mà còn hỗ trợ phần mắt cá chân. Ở Việt Nam, phần lớn dân phong trào không thích sử dụng bịt ống quyển bởi cho rằng nó mất thời gian, gây vướng víu, khó thực hiện các động tác… Nhưng lời khuyên là không nên đánh đổi sự an toàn bản thân chỉ vì bạn nghĩ rằng nó không cần thiết. Giống như câu chuyện người lái xe nghĩ rằng mình an toàn, không cần thắt dây bao hiểm, cho đến trước lúc gặp tai nạn.

2. Khởi động đúng cách trước trận đấu

Tại các thành phố lớn, việc di chuyển đến sân bóng lớn luôn rất mất thời gian. Phần lớn các cầu thủ chỉ đến đúng giờ bóng lăn nên bỏ qua luôn các động tác khởi động. Nhưng đó là việc làm sai lầm. Đừng bao giờ chủ quan ra sân thay đồ là vào sân chơi luôn.

Khời động giúp bạn thi đấu tốt và phòng ngừa chấn thương rất tốt

Nếu không làm nóng các khớp, cơ bằng các bài khởi động như chạy nhẹ, chạy nước rút, căng cơ, đá lăng, xoay khớp, bật nhảy… cơ thể của bạn sẽ không thể đáp ứng ngay các hoạt động ở cường độ cao.

3. Không ra sân khi chưa hoàn toàn bình phục

Những anh em lỡ đam mê trái bóng thì cảm giác không được thi đấu vật vã chẳng khác nào bị bỏ đói. Vì thế họ thường bất chấp tất cả để được ra sân. Một khi đã máu đừng cản “bố cháu” làm gì mất công.
Nhưng từ góc độ khoa học, đó chẳng khác nào hành động ném bỏ cơ may được bình phục chấn thương 100% vào sọt rác. Ngay cả cầu thủ chuyên nghiệp với đội ngũ chăm sóc hùng hậu tận răng cũng không ít trường hợp nóng vội ra sân để rồi lại đi tắm sớm vì chấn thương tái phát. Thậm chí có những người sau này mãi mãi không bao giờ bình phục hoàn toàn được nữa.

Ở chung kết Euro 2016, Ronaldo đã cố gắng ra sân khi đang chấn thương và anh phải rời sân khi chấn thương nặng thêm

Hãy nhớ, cơ thể của bạn cần thời gian để sửa chữa những thiệt hại chấn thương gây ra, thế nên hãy dành cho nó đủ thời gian cần thiết. Đừng quan tâm những câu nói đại loại “đội bóng đang cần mày, cố ra sân đi, chỉ đứng cho đủ thôi cũng được".

Hầu hết những thương tích không nghiêm trọng như bóng gân hay căng cơ, hãy lập tức xử lý bằng cách chườm đá vết thương (không chườm vào vết thương hở) và đừng cố đá thêm tránh làm tình hình tệ hơn.

4. Cảm nhận sức khỏe của bản thân

Công tác kiểm tra y tế, test thể lực gần như không xuất hiện trong hoạt động bóng đá phong trào. Các cầu thủ thường vì tinh thần chiến đấu cao nên dễ dàng bỏ qua tín hiệu xấu từ cơ thể. Rất nhiều trường hợp ra sân khi đang có dấu hiệu cảm cúm, nhức đầu. Tất nhiên, sau đó là hậu quả tức thời khi bạn không đảm bảo được thể lực tốt nhất, ảnh hưởng đến kết quả toàn đội và dễ bị chấn thương.

Thủ môn Tấn Trường đã sai lầm trong quá khứ khi cố gắng thi đấu dù bị chấn thương

Hãy luôn chắc chắn bạn ở trạng thái tốt nhất trước khi ra sân. Ngược lại, hay cân nhắc đúng mực nếu có bất kỳ dấu hiệu không an toàn mà cơ thể bạn phát ra. Bởi xét cho cùng, bóng đá phủi là nơi rèn luyện sức khỏe, chứ không phải hủy hoại bản thân.

Trong một số trường hợp, bộ não của chúng ta xao nhãng lời cảnh báo này bởi sự thôi thúc tự nhiên của cơ thể. Chắc hẳn chúng ta đều từng có lúc không nhận ra là mình bị đau khi đang thi đấu, chỉ đến khi về nhà mới biết. Chính vì thế hãy lắng nghe cơ thể mình, tránh trường hợp như danh thủ Paul Gascoigne trong trận đấu tại FA Cup 1991, vì quá máu lửa nên thực hiện một động tác vào bóng trong lúc đã có dấu hiệu đau, kết quả là sau đó ông phải điều trị mất 9 tháng trời. Với bóng đá phong trào, anh em càng phải biết lắng nghe cơ thể vì nếu chấn thương xảy ra, người khổ không chỉ có mình mà còn rất nhiều hệ luỵ cho người thân.

Bài viết liên quan

Thêm bình luận

Gọi hoặc chat ngay